Sản xuất - Kinh doanh
Trường Cao đẳng nghề số 21: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động
Trong thời đại nền kinh tế tri thức, kinh tế số, việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực uy tín, thương hiệu và chất lượng cao là một trong những đột phá, chiến lược phát triển của Trường Cao đẳng nghề số 21 trong những năm tới. Hiện nay, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo giảm lý thuyết, tăng thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu cao của thị trường lao động.
Trường Cao đẳng nghề số 21 với chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề theo ba cấp cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ, diện chính sách xã hội, con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, liên kết đào tạo lao động xuất khẩu; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật; tổ chức đào tạo và sát hạch lái xe các hạng….
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, bên cạnh cơ sở chính ở Gia Lai (số 01, đường 17-3, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai được xây dựng khang trang. Trường Cao đẳng nghề số 21 đang từng bước mở rộng địa bàn đào tạo nghề tại số 103 Dương Quảng Hàm, phường 7, Quận Gò Vấp, thành Phố Hồ Chí Minh và Số 76, đường 10, khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Nhà trường đã thực hiện tốt chủ trương “lý thuyết gắn với thực hành, lấy thực hành làm chính” kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mô hình “đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc thực học, thực hành và trang bị cho học sinh, sinh viên nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực tạo nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Sáu tháng đầu năm 2024, Nhà trường đã và đang đào tạo 3 cấp trình độ với trên 3.051 học sinh, riêng đào tạo và sát hạch lái xe hạng A1, A2 đạt trên 5.149 học viên hiện có 32 lớp nghề có trên 2.052 học viên đang theo học các ngành, nghề như: Điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; ngành y - dược; sửa chữa công nghệ ô tô, gầm, máy, vận hành máy công trình, sửa chữa xe máy; chế tạo thiết bị cơ khí và nghề hàn; nông - lâm nghiệp; đào tạo và sát hạch lái xe các hạng B1, B2 và hạng C. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh, sinh viên dễ tiếp thu và nâng cao hiểu biết về môn học hơn. Một trong những điều dễ nhận thấy nhất đó là Nhà trường đang tiếp tục mở các mã nghề mới, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nhằm mở rộng phạm vi đào tạo nghề tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Trung tá Nguyễn Xuân Hiển, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Để nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, chương trình đào tạo gắn kết chặt chẽ việc thực học, thực hành cho người học. Hiện nay, Nhà trường tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn mục tiêu quốc gia bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, phòng học thông minh đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nghề và thực hành của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Nhà trường rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy kiến thức một cách chủ động, xây dựng bài giảng định hướng theo đối tượng người học với phương châm: Giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, áp dụng phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế, qua đó nâng cao trình độ kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh nghiệp.
Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề tạo được uy tín và thương hiệu trong thời gian tới, Thượng tá Trịnh Như Việt, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng đào tạo nhấn mạnh: Nhà trường, hiện đang đề nghị cấp 4 mã nghề mới, hoàn thiện hồ sơ liên kết đào tạo với trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Nông lâm Huế, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo với phương châm lấy người học làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học đa dạng, linh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong đào tạo. Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại người lao động ở các cấp trình độ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đào tạo ngành, nghề mới và kỹ năng nghề mới, nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động và theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động trên địa bàn.
Trung tá NGUYỄN KHÁNH - Trưởng Ban chính trị, Trường Cao đẳng nghề số 21